gian lận thuế gtgt
Trong thực tế, có rất nhiều hành vi gian lận thuế GTGT (giá trị gia tăng), nhằm trốn tránh các nghĩa vụ về thuế phải nộp. đặc biệt phổ biến ở doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Các hình thức gian lận thuế được tô vẽ và ẩn giấu dưới nhiều hình thức, tuy nhiên được tổng hợp lại chủ yếu ở các hành vi sau:
– Khấu trừ thuế GTGT của các hóa đơn bất hợp pháp: Hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn hết giá trị sử dụng; hóa đơn không do cơ quan thuế phát hành; hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn của các DNNVV sau thời điểm cơ quan thuế ra thông báo DN bỏ địa chỉ kinh doanh…
– Chia nhỏ gói thanh toán bằng nhiều hóa đơn: DNNVV đã chủ động “chia nhỏ” giá trị thanh toán thành nhiều hóa đơn nhỏ hơn 20 triệu; rải thành nhiều ngày trả tiền khác nhau, ghi hình thức thanh toán là “tiền mặt” để được khấu trừ thuế, đồng thời tránh bị kiểm soát khi thanh toán qua ngân hàng.
– Khấu trừ vượt mức quy định: Trường hợp này liên quan đến khấu trừ thuế của xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi: DNNVV vẫn khấu trừ toàn bộ thuế GTGT tương ứng của phần nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng, “che mắt” cơ quan thuế bằng cách ghi sai tên chủng loại, tên hiệu tài sản trên Sổ tài sản cố định (211) bằng các thương hiệu khác giá trị thấp hơn.
– Khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa hủy, hàng trả lại. Một số DNNVV đã không ghi rõ nội dung nghiệp vụ là “hàng hủy”, “hàng trả lại” mà cố tình ghi chung chung là “thuế GTGT của Công ty A, công ty B…” để khấu trừ thuế.
– Có DNNVV cố tình không phân bổ hoặc phân bổ sai thuế GTGT đầu vào cho mặt hàng chịu thuế và không chịu thuế, mục đích là để tăng khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
– Khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các trường hợp mua hàng biếu tặng, thưởng, quà lưu niệm, hoặc chi trang phục vượt định mức, hoặc kê khai khấu trừ các hóa đơn mang tên, mã số thuế của công ty nhưng thực chất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cho cá nhân, gia đình như máy điều hòa, ti vi, tủ lạnh…
– Trường hợp này thường liên quan đến các lô hàng nhập khẩu; Cá biệt có một số DNNVV không kê khai thuế GTGT theo Giấy nộp tiền vào NSNN mà kê khai theo Tờ khai hải quan, làm sai lệch kỳ số thuế GTGT được khấu trừ, hoặc phản ánh không đúng số thuế GTGT phát sinh phải nộp.
– Các hành vi gian lận thuế GTGT đầu ra chủ yếu tập trung vào việc giảm doanh thu tính thuế. Một số hành vi thường gặp mà các DNNVV thường lợi dụng như: Bán hàng không xuất hóa đơn để che dấu doanh thu, không nộp thuế GTGT; bán hàng xuất hóa đơn ghi giá cả và số lượng trong liên lưu (Liên 1, Liên 3) nhỏ hơn liên giao cho khách hàng (Liên 2); mục đích là giảm số thuế phải nộp của mình và tăng số thuế được khấu trừ cho người mua; xuất hóa đơn khống (nhóa đơn không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo) nhằm hợp thức hóa đầu vào để bên mua khai khấu trừ hoặc hoàn thuế.
– Bên cạnh các trường hợp gian lận nói chung ở trên, các DNNVV hoạt động trong một số lĩnh vực kinh doanh đặc thù lại có những hành vi gian lận khác nhau, cụ thể là:
– Xác định sai thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ: DNNVV sản xuất, kinh doanh còn gian lận thuế GTGT bằng cách “nhập nhèm” thuế suất, cụ thể là: Liên quan đến lô hàng xuất khẩu, DN kê khai doanh thu thuế suất 0% nhưng lại không đáp ứng được đủ các điều kiện quy định như: Thiếu chứng từ thanh toán qua ngân hàng, thiếu hợp đồng xuất khẩu, hoặc xác nhận thực xuất của hải quan lớn hơn lượng hàng hóa bán ra ghi trên hóa đơn GTGT… Việc gian lận diễn ra ở cả khâu thanh toán khi công ty đối tác nước ngoài không thanh toán vào tài khoản của DNNVV mà thanh toán vào tài khoản của cá nhân chủ DN.
– Liên quan đến khu chế xuất, DN chế xuất: DNNVV bán hàng không vào khu chế xuất mà lại bán hàng vào khu công nghiệp, hoặc không phải là DN chế xuất (100% sản phẩm xuất khẩu ghi trên Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư) nhưng sản phẩm bán ra vẫn khai thuế suất 0%.
– Kê khai nhầm thuế suất: Khi kê khai thuế GTGT đầu ra, DN kê khai mặt hàng chịu thuế suất 10% thành mặt hàng chịu thuế suất thấp hơn là 5%, hoặc đưa mặt hàng thuộc diện chịu thuế sang mặt hàng không chịu thuế.
– Kê khai phân bổ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ: Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT đối với trường hợp không hạch toán riêng được thì phải phân bổ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được, tuy nhiên DN cố tình phân bổ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ sai tỷ lệ phần trăm (%) nói trên để làm giảm số thuế GTGT phải nộp, tăng số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
Những hành động gian lận thuế tuy mang lại lợi ích trước mắt cho doanh nghiệp, không phải nộp thuế ngay tại thời điểm nộp tờ khai thuế. Tuy nhiên lại tiềm ẩn rủi ro về thuế to lớn sau này. Số liệu thống kê tiền thuế truy thu và phạt do doanh nghiệp khai thiếu thuế trong các cuộc thanh tra, kiểm tra thuế cho thấy việc phát hiện gian lận thuế TNDN ngày càng minh bạch.
=> Xem thêm:
Để khắc phục tình trạng gia tăng các hành vi trốn thuế, gian lận thuế TNDN hiện nay, cơ quan quản lý thuế tăng cường rà soát,kiểm tra và ngày càng ra những chính sách thắt chặt như:
– Tăng cường rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn; quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, cũng như phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng, chống gian lận thương mại, chống buôn lậu, chống chuyển giá.
– Hoàn thiện chính sách thuế nói chung và các văn bản pháp luật về thuế nói riêng, đảm bảo có được hệ thống thuế thống nhất, phù hợp, đáp ứng yêu cầu về nguồn thu ngân sách; quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với khả năng đóng góp của các chủ thể trong nền kinh tế vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tăng trưởng, tăng thu nhập của dân cư. Cần nghiên cứu, khảo sát thực tế hệ thống thuế trong và ngoài nước nhiều hơn nữa để xây dựng được hệ thống thuế đạt yêu cầu: Công bằng, rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý thuế và đối tượng nộp thuế.
– Xây dựng Luật Kế toán thuế riêng và cụ thể hóa các nghiệp vụ kinh tế phát sinh để hạch toán thuế, nghiệp vụ được miễn giảm thuế, nghiệp vụ khấu trừ giá trị thuế giá trị gia tăng và quy định chi tiết các loại hàng hóa dịch vụ được tính thuế, khấu trừ thuế, hạch toán thuế để các kế toán khi hạch toán không hiểu nhầm, không hạch toán sai, đổ lỗi không hiểu biết…
– Áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ để chấm dứt tình trạng mua bán trái phép hóa đơn.
– Đẩy mạnh thực hiện việc chi tiêu, thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc kho bạc, tiến tới không sử dụng tiền mặt thanh toán cho việc mua bán hàng hóa. Ban hành quy chế thanh toán giữa các doanh nghiệp qua ngân hàng để ngân hàng và cơ quan thuế phối hợp với nhau trong việc kiểm soát nguồn gốc các hoạt động thanh toán qua các hệ thống của ngân hàng.
– Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế một cách đồng bộ, toàn diện. Xây dựng chuyên đề thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về trốn thuế, gian lận thuế. Theo đó, đối tượng thanh tra, kiểm tra tập trung vào các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; kinh doanh thương mại điện tử; doanh nghiệp báo lỗ triền miên; doanh nghiệp có số nợ thuế lớn; doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra (về sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp, ưu đãi thuế, chuyển nhượng vốn, thương hiệu…); doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, hoàn thuế… Các lĩnh vực thanh tra tập trung vào: Chuyển nhượng vốn, ngân hàng, dược phẩm, bất động sản, điện, dầu khí, bưu chính viễn thông, khoáng sản.
– Các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra sau cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tổ chức rà soát các hồ sơ khai thuế đối với các doanh nghiệp mới thành lập, nhất là doanh nghiệp có đại diện pháp lý là người địa phương khác; doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có rủi ro như khai thác đất đá, cát sỏi, khoáng sản để hạn chế các hình thức trốn thuế thông qua thành lập doanh nghiệp “ma” nhằm mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
– Tăng cường thu thập thông tin liên quan đến trốn thuế, gian lận thuế từ nguồn đơn thư tố cáo, từ các cơ quan truyền thông, từ các cơ quan quản lý Nhà nước khác như: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước và phối hợp với các cơ quan này xây dựng, đề xuất Chính phủ cơ sở pháp lý đủ mạnh để giải quyết các vấn đề chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các tập đoàn đa quốc gia phát triển theo những giá trị riêng biệt và có những biến động khó lường, khác biệt với hoạt động kinh doanh giữa các bên độc lập. Qua đó, đảm bảo việc xác định giá chuyển nhượng phù hợp với nơi giá trị được tạo lập và hoạt động kinh tế phải được đánh thuế tại nơi mà nó diễn ra hoạt động thực chất.
– Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của công chức, viên chức để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, vụ lợi trong khi thi hành công vụ; tăng cường biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
– Tăng cường hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc ngăn chặn xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận bởi các biện pháp đơn phương và song phương không khả thi do số lượng các công ty đa quốc gia ngày càng tăng, quy mô lớn và giao dịch phức tạp; cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
=> Xem thêm:
Vì thế doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất của thuế GTGT tránh những rủi ro như truy thu cộng nộp phạt số tiền lớn hơn rất nhiều lần, nặng hơn là đối mặt với tình tiết trốn thuế với số tiền lớn.
Tham khảo dịch vụ tư vấn kế toán thuế Taca:
Taca Business Consulting,
Trụ sở chính: Tầng 2 tòa A Chelsea Residences, số 48 Trần Kim Xuyến, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Hotline: 0982 518 586
Support@taca.edu.vn
Vincom Đồng Khởi, Quận 1, TP. HCM
Hotline: 0985 611 911